0

COVID-19 và sức khỏe tâm thần | Safe and Sound

Sức khỏe tâm thần được định nghĩa là một tình trạng sức khỏe mà mỗi cá nhân nhận thức rõ khả năng của mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả và thành công và có thể đóng góp cho cộng đồng, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Vi Nguyễn Duy Minh | Chuyên viên - Viện tâm lý và sức khoẻ tinh thần SnS 

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Các bệnh tâm thần thường gặp

Tâm thần không phải một loại bệnh như nhiều người lầm tưởng. Bệnh tâm thần là một nhóm các bệnh có liên quan đến sức khỏe tâm thần. 

Các loại bệnh tâm thần phổ biến bao gồm: 

  • Tâm thần phân liệt
  • Rối loạn trầm cảm
  • Rối loạn lưỡng cực
  • Bệnh Alzheimer
  • Chứng chán ăn tâm thần
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
  • Rối loạn ám sợ
  • Rối loạn lo âu lan tỏa
  • Rối loạn tâm thần do rượu hay ma túy
  • Chậm phát triển trí tuệ

Tại Việt Nam, theo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2%, trong đó riêng rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%. Tỷ lệ tự sát trong năm 2015 là 5,87 trên 100.000 dân.

2. Nguyên nhân của các bệnh tâm thần

Nguyên nhân bệnh tâm thần vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các yếu tố về di truyền và môi trường được cho là đóng góp đáng kể vào nguy cơ mắc các bệnh này:

  • Di truyền: Những người có người thân mắc các bệnh tâm thần sẽ có nguy cơ cao hơn.
  • Yếu tố sinh học: Những sang chấn từ bên ngoài có thể dẫn tới bệnh tâm thần như: chấn thương sọ não, phơi nhiễm với chất độc hại, virus...
  • Rối loạn sinh hóa não: Những thay đổi xảy ra trong não bộ có thể ảnh hưởng đến tâm trạng cũng như những khía cạnh khác của sức khỏe tâm thần.
  • Áp lực cuộc sống và công việc: Những người thường xuyên bị stress là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trên phương diện tâm lý.

Ảnh 1: Đâu là nguyên nhân của các bệnh tâm thần?

3. COVID-19 và sức khỏe tâm thần

Nếu bạn cảm thấy lo lắng và căng thẳng trong giai đoạn COVID-19, đó là điều “bình thường”. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động tiêu cực của COVID-19 tới tâm lý và sức khỏe tâm thần.

Ảnh 2: COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần

Trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, tỷ lệ mắc chứng lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng 25%, theo thông tin từ WHO. Các đối tượng dễ gặp vấn đề về tâm lý trong đại dịch bao gồm: người ở trong khu vực cách ly, phong tỏa; nhân viên y tế tuyến đầu; phụ nữ, trẻ em và người già...

Những người nằm trong diện phong tỏa do COVID-19 trong thời gian dài, đặc biệt nếu sống một mình, dễ cảm thấy bị cô lập, buồn, tuyệt vọng, bị stress và có những suy nghĩ làm hại bản thân. Người cao tuổi do hạn chế về khả năng sử dụng công nghệ để kết nối với người thân cũng là đối tượng có khả năng bị tổn thương tâm lý nặng nề. Lúc này, việc kết nối với chuyên gia tâm lý để chia sẻ và nhận được sự hỗ trợ rất quan trọng. 

Phụ nữ và trẻ em cũng là đối tượng cần chú ý đặc biệt trong đại dịch. Trong năm 2021, WHO công bố báo cáo, trong đó chỉ ra tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ đã tăng đến mức “chưa có tiền lệ” kể từ khi đại dịch nổ ra. Tình trạng bạo lực gia đình, kết hợp với phong tỏa kéo dài đã và đang để lại những tác động to lớn lên sức khỏe tâm thần của phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới.

: COVID-19 và sức khỏe tâm thần | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound